Công Nghệ Bao Bì Giấy Mỹ Phẩm Bảo Vệ Môi Trường

Khó có thể loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng nhựa trong cuộc sống bởi tính tiện dụng của nó. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nhà sản xuất đã phát triển một số loại nhựa có thể tái chế được. Việc cần làm của bạn sau khi sử dụng xong các loại mỹ phẩm đó là phân loại các loại chai lọ và gửi chúng đến nơi có thể tái chế. 

Cách để nhận biết đâu là loại bao bì nhựa có thể tái chế chính là nhìn vào ký hiệu tái chế và con số được đánh dấu ở đáy mỗi chai lọ. Các con số sẽ cho ta biết bao bì đó được làm từ chất liệu nhựa gì và có khả năng tái chế được hay không. Nếu hàng hóa có mã vạch để truy xuất nguồn gốc thì nhựa có mã Resin Idenfication Codes. Theo đó, sẽ có 7 loại nhựa được sử dụng cho bao bì. Trong số đó, #1 và #2 là hai loại nhựa dễ dàng được tái chế nhất, đó là PET/PETE và HDPE do đây là hai loại nhựa tương đối sạch và thuần khiết.  Từ #3 đến #6 (PVC, LDPE, PP, PS) là những loại nhựa khó hoặc không thể tái chế. #7 là các sản phẩm làm từ các loại nhựa khác hoặc được pha trộn, không thuần chất khiến việc tái chế vô cùng khó khăn và nếu thải ra môi trường mà không qua xử lý sẽ mất hàng trăm triệu năm để phân hủy. 

Ngoài các loại nhựa kể trên, ngày nay, nhiều nhà sản xuất đã ứng dụng nhựa sinh học vào bao bì sản phẩm. Tuy nhiên, công dụng lớn nhất của nhựa sinh học chính là để thay thế nhựa truyền thống (được làm chủ yếu từ khí tự nhiên và dầu mỏ) giúp hạn chế những tác động xấu của nhựa lên sức khỏe. Nhựa sinh học thực sự cũng không dễ dàng phân hủy và tái chế như chúng ta nghĩ. Nhựa sinh học sẽ không thể phân hủy theo cách mà trái cây, rau củ phân hủy và chỉ có thể phân hủy dưới những quy trình công nghiệp tiêu chuẩn, còn không thì chúng cũng sẽ ra bãi rác chung với nhựa truyền thống. 

Lý thuyết là thế nhưng thực tế, việc tái chế nhựa vẫn còn gặp nhiều bất cập. Không phải nơi nào cũng hỗ trợ việc tái chế nhựa và không phải nhựa nào cũng có thể tái chế. Trước hết, để các nhà máy có thể tái chế, họ cần phân loại nhựa. Việc phân loại nhựa không được quan tâm và giáo dục đúng mức, nhất là ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có thói quen phân loại nhựa hoặc nếu có, vẫn chưa có sự hiểu biết nhất định về nhựa có thể tái chế và không thể tái chế.

Hầu như rác thải nhựa sẽ lẫn lộn với rác sinh hoạt và đều được đưa ra bãi rác mà không thể phân loại hay xử lý. Tuy nhiên, việc phân loại và tái chế nhựa vẫn không hề dễ dàng ở những nước tiên phong trong việc tái chế rác thải nhựa. Theo EcoWatch, chỉ có 10-15% rác thải nhựa đưa đến các trung tâm tái chế của Mỹ là thực sự có thể tái chế, còn lại đều được đưa ra bãi rác, chung số phận với những loại rác thải còn lại. Còn theo Ủy ban Châu Âu, chỉ có 14.8% của 27 triệu tấn rác thải nhựa được tái chế ở Liên minh châu Âu vào năm 2016.

Vì thế, khi mua các mỹ phẩm trong bao bì nhựa, hãy để ý đến các ký hiệu tái chế và liên hệ nơi bạn sống để xem có chỗ nào hỗ trợ thu thập và tái chế nhựa hay không. Một số thương hiệu mỹ phẩm làm rất tốt việc khuyến khích và hỗ trợ khách hàng tái chế bao bì nhựa sau khi sử dụng đó là Kiehl’s của tập đoàn L’Oreal hay MAC. Cứ sau một số lượng vỏ chai lọ rỗng nhất định được mang lại cửa hàng, khách hàng sẽ được nhận một sản phẩm làm đẹp mới miễn phí.  

Để hạn chế nhựa, bạn cũng có thể lựa chọn các sản phẩm làm đẹp có bao bì từ các chất liệu thân thiện hơn với môi trường như giấy, gỗ, vải, thủy tinh hoặc kim loại. Vừa qua, nhãn hàng dược mỹ phẩm La Roche-Posay, 1 trong 36 thương hiệu của tập đoàn L’Oréal đã ra mắt kem chống nắng Anthelios Body Milk Hydrating Lotion có bao bì dạng tuýp bằng giấy bìa cứng đầu tiên trên thế giới, sự kiện được xem là sự tiến bộ vượt bậc của ngành bao bì mỹ phẩm, làm giảm đến 45% lượng nhựa sử dụng trung bình trong các tuýp bao bì nhựa thông thường.

Công nghệ bao bì giấy để giảm thiểu nhựa mới này được thiết kế để trở thành giải pháp thay thế cho tương lai của hệ thống bao bì mỹ phẩm nói chung. Kiehl’s sẽ là thương hiệu tiếp theo của tập đoàn L’Oréal sử dụng công nghệ bao bì mới này, dự kiến ra mắt các sản phẩm có bao bì thân thiện vào năm 2021.

Công nghệ bao bì giấy để giảm thiểu nhựa được áp dụng trong sản phẩm chống nắng toàn thân Anthelios ra đời từ chương trình hợp tác đầy tham vọng giữa tập đoàn L’Oréal và công ty bao bì mỹ phẩm nổi danh thế giới Albéa nhằm phát triển bao bì thế hệ mới bằng vật liệu thân thiện với môi trường. Sau một năm hợp tác nghiên cứu, La Roche-Posay đã thay đổi tiến trình sản xuất, áp dụng công nghệ mới bằng việc thay thế đến 45% phần nhựa của bao bì dạng tuýp bằng giấy bìa cứng. 

Lợi ích môi trường của công nghệ này cũng được đánh giá bởi quy trình Phân tích Vòng đời Sản phẩm (Life Cycle Analysis – LCA), là một công nghệ hiện đại để đánh giá các tác động toàn diện đến môi trường của sản phẩm bắt đầu từ quá trình sản xuất cho đến khi sản phẩm được sử dụng và xử lý chất thải. Theo quy trình Phân tích Vòng đời Sản phẩm LCA của La Roche-Posay và Albéa, dấu chân sinh thái của tuýp kem chống nắng Anthelios 200ml dạng giấy này có mức tác động thấp nhất trong tất cả tiêu chí và nó được thiết kế để trở thành giải pháp thay thế cho tương lai của hệ thống bao bì mỹ phẩm nói chung.