Chọn Lựa Mẫu In Trên Bao Bì Tết

Thông thường, các nhãn hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) sẽ thay đổi bao bì mỗi 3 – 5 năm và đối với các thương hiệu lớn là 1 – 2 năm.

Song nhiều thương hiệu đã lên kế hoạch từ giữa năm và tung sản phẩm với bao bì đặc biệt cho Tết Nguyên đán trong những tháng cao điểm tiêu thụ hàng hóa. Dịp này, người tiêu dùng (NTD) không chỉ mua hàng để dùng mà còn để trưng bày và biếu tặng, họ cũng dễ dàng mở hầu bao và cởi mở hơn trong quyết định mua hàng. Theo thống kê của Nielsen, doanh số trong 3 tháng Tết đóng góp 28% tổng doanh thu hàng năm của ngành hàng nước giải khát, doanh số trung bình của ngành hàng bia dịp này cũng tăng 1,5 lần. Đơn vị nghiên cứu thị trường uy tín này cũng đánh giá bao bì dịp Tết đóng vai trò then chốt và trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Đào, mai, pháo và 12 con giáp trên bao bì giúp bán được nhiều hơn

Trong ngành hàng FMCG, các thương hiệu cạnh tranh rất khốc liệt, các sản phẩm trong cùng phân khúc ít có sự khác biệt về chất lượng hay sự phong phú. Không phủ nhận ảnh hưởng lớn của truyền thông tiếp thị trong việc kêu gọi hành động mua hàng, nhưng khi đứng giữa rất nhiều lựa chọn hấp dẫn tại quầy hàng, ngay thời điểm chọn mua, bao bì đóng vai trò trực tiếp quyết định tới hành vi mua hàng của khách. Điều này càng đúng hơn trong dịp Tết, khi nhu cầu về một bao bì đẹp để bày và biếu tặng tăng cao. Chính vì thế cứ Tết đến xuân về, các nhãn hàng đã lao vào cuộc chạy đua về bao bì Tết để không bị các đối thủ nhấn chìm. Doanh thu của các nhãn hàng dịp Tết cũng xứng đáng để họ đầu tư cho việc thay áo mới cho sản phẩm. Riêng Trung Quốc đại lục đã ghi nhận doanh thu bán lẻ trong dịp Tết Ất Mùi (đầu năm 2015) lên đến 678 tỉ Nhân dân tệ (xấp xỉ 104.6 tỉ USD), gấp đôi tổng số tiền tiêu thụ vào mua sắm trong dịp lễ Tạ Ơn của người Mĩ cuối năm 2014. Thị trường các nước lân cận như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Việt Nam… cũng tăng đột biến dịp đầu năm mới cùng với tâm lý “ăn Tết, tiêu Tết” sau cả năm làm việc vất vả. Đó là lý do vì sao các “ông lớn” trong ngành FMCG như Coca Cola, Pepsi, Budweiser, Johnnie Walker,… quan tâm đến bao bì cho Tết phương Đông không kém gì các dịp lễ hội của người phương Tây.

Bond Packaging đã có một thử nghiệm nhỏ tại quầy hàng, trên kệ hàng có ba sản phẩm của một thương hiệu cà phê hòa tan vào dịp gần rằm tháng Chạp. Một sản phẩm mang bao bì bình thường như mọi ngày, loại thứ 2 có bao bì với mai và pháo hoa cùng hình ảnh gia đình sum vầy ngày Tết, và loại cuối cùng kèm theo quà khuyến mại thành một combo gói.quà tặng được thiết kế đậm chất Tết cổ truyền với giá cao hơn khoảng 25%. Kết quả là 25% mua loại 1; 52% mua loại 2 và 23% mua loại 3. Lý do chủ yếu của khách hàng vẫn là vì bao bì tạo cảm hứng mua hàng, và mặc dùng mức chênh lệch giá là 25% nhưng họ vẫn quyết định mua gói quà combo. Trên thực tế dịp Tết, tâm lý khách hàng thường cởi mở hơn trong việc rút hầu bao.

Thật ý nghĩa khi bao bì sản phẩm hay quà tặng của doanh nghiệp mang đến niềm vui, sự thích thú hay tình cảm đặc biệt tới cho người tiêu dùng. Và còn rất nhiều dịp lễ khác trong năm là cơ hội để các thương hiệu thể hiện mình với khách hàng và tăng doanh thu nhờ bao bì.